Nghi Lễ Và Trò Chơi Kéo Co Việt Nam: Tính Kết Nối Giữa Các Địa Phương Còn Chậm

 




VHO- Hội Di sản văn hóa Việt Nam vừa phối hợp với Sở VHTT Hà Nội tổ chức tọa đàm cộng đồng Nghi lễ và trò chơi kéo co Việt Nam 2020, nhân kỷ niệm 5 năm UNESCO ghi danh Nghi lễ và trò chơi Kéo co vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 Thực hành Di sản kéo co trong cộng đồng

Sự kiện thu hút hàng trăm người tham gia, trong đó có các cộng đồng thực hành di sản, cơ quan quản lý, nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, nhà nghiên cứu…

Phát huy giá trị di sản

Tọa đàm được tổ chức nhằm đẩy mạnh phát huy, quảng bá và giới thiệu giá trị của Nghi lễ và trò chơi Kéo co; tăng cường quan hệ giao lưu trao đổi, gắn kết giữa các cộng đồng, đáp ứng nhu cầu giao lưu trao đổi ngày càng tăng của các cộng đồng thực hành di sản; đồng thời làm tiền đề cho việc thành lập CLB Mạng lưới các cộng đồng di sản kéo co Việt Nam trong tương lai.

Nghi lễ và trò chơi Kéo co được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2015 với tư cách là đề cử đa quốc gia của Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam tại kỳ họp thứ 10 của Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức tại Namibia. Tại Việt Nam, Nghi lễ và trò chơi Kéo co có mặt ở hầu hết khắp các vùng trung du, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, vùng đất tụ cư lâu đời của người Việt gắn với nền văn minh lúa nước. Di sản này được thực hành rộng rãi nhất ở các cộng đồng người Kinh các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội và các cộng đồng người Tày, Thái, Giáy tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam như Tuyên Quang, Lai Châu và Lào Cai.

Từ khi được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2015, nhiều hoạt động giao lưu trình diễn, hợp tác nghiên cứu và xuất bản về Nghi lễ và trò chơi Kéo co đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (CCH) - Hội Di sản văn hóa Việt Nam tích cực thực hiện với mục đích hỗ trợ cộng đồng Kéo co trong việc nâng cao nhận thức công chúng nói chung và phát huy giá trị di sản này trong đời sống đương đại. Trong đó, nổi bật là các hoạt động hợp tác với TP Danjin (Hàn Quốc) thông qua Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với các dự án nghiên cứu, xuất bản, hội nghị chuyên đề và giao lưu trình diễn. PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết: “Nghi lễ và trò chơi Kéo co của Việt Nam cùng với Hàn Quốc, Campuchia, Philippines được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đó, chúng ta không chỉ đại diện cho chúng ta mà còn đại diện cho dân tộc, cho thế giới để giữ gìn di sản văn hóa quý báu này. Bởi vậy, hy vọng thời gian tới, các cộng đồng kéo co sẽ đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm với nhau để cùng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể này”.

Đại diện nhiều cộng đồng sở hữu nghi lễ và trò chơi kéo co đã đề xuất những sáng kiến, giải pháp khơi dậy hơn nữa sức mạnh cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Theo ông Ngô Quang Khải, Thủ từ đền Trấn Vũ (Long Biên): “Kéo co không chỉ là một trò chơi dân gian hay bộ môn thể thao phô diễn sức mạnh mà chứa đựng trong đó cả đời sống tâm linh, ước vọng của cộng đồng”. TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhấn mạnh, để di sản được ghi danh, công đầu vẫn là nỗ lực gìn giữ, phát huy và trao truyền di sản qua nhiều thế hệ của các cộng đồng thực hành di sản. Theo bà Lý, các cơ quan quản lý văn hóa cần có hình thức quảng bá, phổ biến di sản phù hợp để xã hội thấy được ý nghĩa, từ đó chung tay chia sẻ với nhóm cộng đồng sở hữu di sản. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, cập nhật thông tin định kỳ về tình trạng di sản, hỗ trợ các địa phương tiến hành các bước đề cử để lập hồ sơ đề nghị UNESCO bổ sung danh sách.

“Nếu chúng ta biết cách khích lệ cộng đồng thì sẽ có đông người tham gia gìn giữ, phát huy giá trị di sản”, TS Lý khẳng định.

Sẽ có CLB Mạng lưới cộng đồng di sản kéo co

Theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ, thời gian qua Hội đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động giao lưu trình diễn, hợp tác nghiên cứu và xuất bản về Nghi lễ và trò chơi Kéo co, với mục đích hỗ trợ cộng đồng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hành gìn giữ và phát huy giá trị di sản.

Tuy nhiên, tính kết nối giữa các địa phương còn chậm. Với vai trò của mình, Hội sẽ đứng ra kết nối các địa phương có cộng đồng di sản, đồng thời đề xuất cơ quan quản lý về phương án, bảo tồn phát huy giá trị di sản. Bí thư Chi bộ thôn Hòa Loan, xã Lũng Hòa (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, người dân địa phương hiểu ý nghĩa và chủ động trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, thế nhưng khó khăn gặp phải là tình trạng thiếu kinh phí dành cho công tác bảo vệ và trao truyền; mai một những giá trị chưa được nhận diện, phục hồi; nguồn vật liệu truyền thống như cây song (dùng trong nghi lễ kéo co ngồi) ngày một khan hiếm...

Trải qua 5 năm được vinh danh, đến nay di sản văn hóa Nghi lễ và trò chơi Kéo co vẫn được chính quyền địa phương và cộng đồng dân tộc Tày, Giáy cư trú ở các huyện Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn, Sa Pa, Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương và TP Lào Cai chung tay bảo vệ và phát huy. Theo TS Dương Tuấn Nghĩa (Sở VHTTDL Lào Cai), nhằm thực hiện công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản, Sở VHTTDL Lào Cai được UBND tỉnh giao nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu bảo vệ và phát huy giá trị của di sản, gắn bảo vệ di sản với phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở các địa phương. Ở vùng người Tày, Giáy của tỉnh Lào Cai có nhiều người am hiểu sâu sắc về nghi lễ và trò chơi kéo co, họ là những người trực tiếp cung cấp thông tin để xây dựng hồ sơ đề cử, cũng chính là người duy trì các hoạt động tổ chức gắn liền với Nghi lễ và trò chơi Kéo co, là người thực hiện công tác hướng dẫn, trao truyền cho thế hệ trẻ.

Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VHTT Hà Nội, bà Phạm Lan Anh bày tỏ mong muốn Hà Nội sẽ là nơi kết nối các địa phương có di sản kéo co, tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ di sản. Các đại biểu tham gia tọa đàm đã cùng thông qua dự thảo Đề án thành lập CLB Mạng lưới các cộng đồng di sản kéo co Việt Nam nhằm tăng cường sự gắn kết, trao đổi giữa các cộng đồng cùng thực hành di sản. Dự thảo đề án nhấn mạnh, hiện nay tại Việt Nam, các cộng đồng kéo co ở một số tỉnh, thành phố luôn cố gắng duy trì hoạt động để bảo vệ di sản độc đáo này. Một số cộng đồng bước đầu đã có hình thức liên kết tổ chức sinh hoạt nhằm trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng để thực hành di sản. Tuy nhiên, sự giao lưu, hợp tác giữa các cộng đồng và những người làm công tác nghiên cứu chưa được thường xuyên, chưa phát huy được thế mạnh của các cộng đồng để góp phần vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Xuất phát từ thực tế, đã đến lúc các cộng đồng kéo co tại Việt Nam cần phải thành lập một tổ chức mang tính chất xã hội nghề nghiệp để hỗ trợ và nâng cao chất lượng hoạt động của mình. Cũng trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra trưng bày mang tên “Nghi lễ và trò chơi Kéo co” với 30 bức ảnh tái hiện lại hoạt động kéo co của các cộng đồng. 

 Đề án thành lập CLB Mạng lưới các cộng đồng di sản kéo co Việt Nam nhằm tăng cường sự gắn kết, trao đổi giữa các cộng đồng cùng thực hành di sản. Dự thảo đề án nhấn mạnh, hiện nay tại Việt Nam, các cộng đồng kéo co ở một số tỉnh, thành phố luôn cố gắng duy trì hoạt động để bảo vệ di sản độc đáo này.

Một số cộng đồng bước đầu đã có hình thức liên kết tổ chức sinh hoạt nhằm trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng để thực hành di sản. Tuy nhiên, sự giao lưu, hợp tác giữa các cộng đồng và những người làm công tác nghiên cứu chưa được thường xuyên, chưa phát huy được thế mạnh của các cộng đồng để góp phần vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

 

 HOÀNG NGÂN/Báo Văn Hóa Online

"Tờ Giấy Biết Nói" Và Những Gương Mặt Sao Nhí Mới, Hứa Hẹn Là Tài Năng Trong Lĩnh Vực Phim Ảnh

 



Tối 28/12, Ekip Tờ giấy biết nói đã có buổi ra mắt công chiếu phim trong không khí nhộn nhịp những ngày cuối cùng của năm 2020 thật ấm áp.


Tham dự buổi ra mắt có đông đảo khách mời, diễn viên nhí, model. Điều đặc biệt là sự góp mặt của các bạn nhỏ trong phim “Tờ giấy biết nói”.


Góp mặt trong Tờ giấy biết nói lần này là 9 bạn nhỏ vô cùng đáng yêu. Hành trình đóng phim có những điều thú vị: nhiều bé phải đi chân đất dưới trời nắng nóng nhưng không than vất vả, hai mẹ con đóng chung phim, cô bé người Thái lần đầu đóng phim nhưng chất lừ trong vai diễn... Nhân sự kiện này, cũng hứa hẹn sắp tới màn ảnh Việt sẽ có thêm nhiều gương mặt tài năng trong lĩnh vực diễn xuất. 

Cùng Kênh thông tin Sân khấu Điện ảnh điểm qua 9 gương mặt đầy tiềm năng nhé!

Hoàng Gia vai Minh

Hoàng Gia tên đầy đủ là Hồ Hoàng Gia, hiện bé đang học lớp 4/3, trường Tiểu học Hàm Tử (Q.5). Đây là lần thứ hai, Hoàng Gia tham gia phim, lại là phim xưa của NSX Phạm Tuyết Hường. Bé cho biết rất vui khi được đảm nhận vai Minh, một cậu bé thông minh và nhanh trí. 





Đây là vai diễn có nhiều phân đoạn và thoại nên con phải dành thời gian để đọc kịch bản nhiều lần. "Con rất thích nhân vật Minh vì Minh và bạn bị vu oan là trộm giấy nhưng đã biết cách để tự minh oan cho mình. Minh còn rất thương người, đã giúp công chúa khi gặp khó khăn và tìm cách cứu cả người bạn nghèo vì hoàn cảnh không may mới phải đi trộm giấy." Cậu bé cũng hóm hỉnh chia sẻ: "Đóng phim này, con phải đi chân không để diễn, bị muỗi cắn vì phim xưa nên quay ở trong chỗ cây cối khá nhiều. Nhưng con được diễn cùng nhiều bạn nên cảm thấy rất vui, đặc biệt có mẹ của con tham gia nữa. Lần đầu hai mẹ con đóng phim chung với nhau nên có nhiều kỷ niệm lắm. Phim quay đến tối mới xong, nhưng con không thấy mệt mà còn muốn được tham gia nhiều nhiều nữa.". 

Thảo Vy vai Công Chúa Linh Lan


Thảo Vy tên đầy đủ là Lâm Thảo Vy, hiện đang học lớp 7A1, trường THCS – THPT Đức Trí (TP.HCM). Được khán giả nhớ tới với vai diễn Hằng Nga trong phim Thỏ Ngọc phiêu lưu ký, lần này, Thảo Vy đảm nhận vai công chúa Linh Lam xinh đẹp, thông minh trong “Tờ giấy biết nói”. Công chúa Được vua cha cho đi vi hành, tìm hiểu về giấy cống phẩm, Linh Lan đã đứng ra xử vụ án mất cắp giấy tại nhà phú ông. Là một công chúa rất công tâm và giàu lòng thương dân, Linh Lan đã giúp cho Minh và Lanh được giải oan và giúp cho Đức Duy – cậu bé vì thương em mà trộm giấy, được một cuộc sống tốt đẹp hơn. 




Thảo Vy cho biết, cô bé rất thích vai diễn này. Đây là một vai diễn khá nặng ký, nhiều thoại và có những câu thoại rất khó vì phải dùng ngôn ngữ xưa nên Thảo Vy dành rất nhiều thời gian để học. Lúc giải lao, Thảo Vy vẫn tranh thủ ôn thoại để phần diễn của mình được trơn tru. Thảo Vy cho biết, vì phần thoại của mình khá nhiều, không muốn vì mình mà ảnh hưởng đến tiến độ quay của đoàn nên Thảo Vy rất cố gắng. Bên cạnh việc rất thích vai diễn thì Thảo Vy cũng rất thích trang phục của công chúa. Trong phim này, Thảo Vy được mặc khá nhiều đồ và đồ nào cũng rất đẹp. 

An An vai Lanh


An An tên đầy đủ là Phuengkham Rattika An An, hiện đang học lớp 4/2, trường TH An Bình Quận 2, TP.HCM. 




Ấn tượng trong phim là An An vào vai Lanh – một cô bé tốt bụng, lanh lợi, đáng yêu, gặp chuyện bất bình sẽ không chịu khuất phục. Cô bé tên đầy đủ là Phuengkham Rattika An An (có cha là người Thái) và hiện đang học lớp 4/2, trường Tiểu học An Bình, Quận 2, TP.HCM. An An vào vào Lanh, An An thấy vai diễn cũng giống với tính cách của mình ngoài đời. Đây là lần đầu tiên tham gia phim nhưng An An được đánh giá khá tốt về khả năng diễn xuất tự nhiên của mình.

An An cho biết “Lúc đến chỗ quay, con rất hồi hộp và con mong được đến cảnh quay của mình để diễn. Lần đầu tiên đóng phim, con thấy rất vui, con mong muốn sẽ được góp mặt trong nhiều bộ phim nữa để trau dồi thêm khả năng cho bản thân cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm từ các diễn viên tiền bối. Con cũng mong mình sẽ được thể hiện nhiều vai khác nhau”. Kỉ niệm đáng nhớ nhất của An An là phải đi chân không khi diễn, chạy tới chạy lui làm cát và đá dính vào chân, tuy hơi đau nhưng làm diễn viên là phải thể hiện sao cho đúng nhân vật nên không bé nào ý kiến.

Bảo Trang vào vai Thị Nữ

Bảo Trang tên đầy đủ là Huỳnh Ngọc Bảo Trang, hiện đang học lớp 6, trường THCS Mỹ Thạnh (Bình Dương). Khi được mời tham gia bộ phim này, con rất háo hức. Phục trang của con được chuẩn bị rất chu đáo. Để quay được bộ phim đúng tiến độ thì con và mọi người đã cố gắng rất nhiều. Vì học cấp 2, bài vở khá nhiều, nên con đã cố gắng để dành thời gian học kịch bản và tập diễn vai diễn của mình. Trong lúc chờ đến cảnh quay của mình, con và các bạn diễn viên đã cùng nhau chơi những trò chơi dân gian để có cảm xúc hơn với bộ phim xưa này. 

Có một số cảnh quay bị trục trặc vì những lí do khách quan như gần chỗ quay của bọn con hôm đó có chương trình lớn, tiếng ồn khá nhiều, nên nhiều cảnh, tụi con phải quay đi quay lại. Nhưng mọi người đều động viên nhau cố gắng để hoàn thành cảnh quay. Đây là một bộ phim rất dễ thương và ý nghĩa. Con mong sẽ được khán giả ủng hộ. 


Quỳnh Hương trong vai Ngọc Hương – con gái lớn của phú bà


Quỳnh Hương tên đầy đủ là Đặng Như Quỳnh Hương, hiện đang học lớp 5, trường Tiểu Học Mỹ Phước (Bình Dương). Bé đóng vai con gái lớn của phú bà, là vai diễn có phần đanh đá. NSX - biên kịch Tuyết Hường cho biết rằng việc lựa chọn diễn viên vào vai diễn này không hề dễ dàng, vì đây là vai diễn đòi hỏi nhiều cảm xúc. "Được cô Hường tin tưởng giao cho con vai khá nặng kí khiến con cảm thấy rất vui."



Là một diễn viên, cần phải biết hoá thân vào nhiều vai diễn, mới trau dồi được khả năng diễn xuất của mình nên Quỳnh Hương đã rất cố gắng. Quỳnh Hương hi vọng khán giả sẽ thấy được sự nỗ lực của  bé nói riêng và các bạn diễn viên nhí nói chung và ủng hộ cho bộ phim. 



Minh Nghi vào vai Gia Nghi – con gái nhỏ của phú bà


Minh Nghi tên đầy đủ là Nguyễn Minh Nghi, lớp 4/4, trường tiểu học Nguyễn Thị Nuôi (Tô Kí, Hóc Môn). Lần đầu tiên tham gia phim, Minh Nghi rất lo lắng và mắc cỡ. Trước ngày diễn thì cô bé nôn đến mức không ngủ được, đêm ngủ thì mong tới sáng nhanh nhanh để được đi đóng phim. Nhiều lúc con sợ muốn rớt nước mắt nhưng con đã cố gắng làm đến cùng, không để nước mắt rớt xuống. 




Minh Nghi vào vai con gái nhỏ của phú bà, đây là vai diễn có phần đanh đá. Cô bé cho biết bé không ngại bất cứ vai diễn nào, vai càng khó thì sẽ càng thử thách mình nên bé đã cố gắng hết mình. Kỉ niệm đáng nhớ của Minh Nghi là được diễn chung với nhiều bạn đồng trang lứa nên rất vui. 


Đức Duy vào vai Đức Duy


Nguyễn Vũ Đức Duy, hiện học lớp 3/1 Trường TH Nam Sài Gòn , Quận 7, HCM. Trước đây Đức Duy có tham gia đóng kịch cùng các bạn nhưng đây là lần đầu tiên bé tham gia đóng phim. Chàng trai nhỏ cho biết là rất hồi hộp đợi tới ngày đi học thoại, rồi tới ngày đi quay và bây giờ thì bé đang rất hồi hộp đợi tới ngày phim được ra mắt khán giả . Vai diễn của Đức Duy là vai em bé có cuộc sống nghèo khổ. 




"Lần đầu, con mặc những bộ quần áo lấm lem bùn đất luôn. Mặc dù vai diễn không xuất hiện nhiều nhưng con rất thích nhân vật mình thể hiện, được hoá thân vào nhân vật có rất nhiều cung bậc cảm xúc từ buồn, nghèo đói không có ăn, yêu thương em gái, lúc lại rất vui sướng và hạnh phúc vì có những người bạn tốt." - Đức Duy chia sẻ.



Kỷ niệm đáng nhớ nhất của con khi tham gia phim là con phải quỳ gối rất lâu để diễn, mặc dù rất đau và mệt nhưng con cũng cố gắng hoàn thành cho tròn vai nhất trong khả năng của con. 

Minh Thy vào vai Xíu 








Minh Thy tên đầy đủ là Võ Nhật Minh Thy, hiện đang học lớp 2A7, trường Trung Tiểu Học Việt Anh, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương. 




Cũng như đa số các bạn trong đoàn phim lần này, thì đây chính là lần đầu tiên Minh Thy tham gia đóng phim nên có rất nhiều hồi hộp và bỡ ngỡ. "Bé chỉ diễn theo bản năng nên còn phải rèn luyện nhiều" - Đạo diễn Kim Vũ chia sẻ về bé. 




"May mắn là con được các cô chú trong đoàn hỗ trợ, chỉ dẫn để con diễn sao cho đúng với nhân vật của mình. Con được mẹ hướng dẫn tập thoại. Con rất mong đến ngày được đóng phim nên con học thoại mau thuộc lắm. Nhưng khi diễn, con hiểu nhiều thứ hơn, diễn viên không phải chỉ học thoại tốt mà còn phải thoại đúng cảm xúc và tính cách nhân vật của mình nữa. Càng diễn, con lại càng thích được đóng phim hơn. Mặc dù khi đi đóng phim, con bị muỗi chích rất nhiều, đi chân đất, dẫm lên gạch nóng, rồi lên đất, đá, cành cây… nhưng tất cả đã cho con những kỉ niệm đáng nhớ. Con mong lần sau, con được trải nghiệm với nhiều vai khác nhau để con được học hỏi và trải nghiệm nhiều hơn nữa." Minh Thy mạnh dạn chia sẻ cảm xúc của mình sau hành trình đóng phim.

Vi Hân trong vai Sala – em bé nghèo


Trần Lê Vi Hân, lớp K2 trường mầm non anh ngữ Mia, Phường Phú Mỹ, Q7, TP HCM. Vi Hân là thành viên nhỏ nhất trong đoàn phim, cô bé mới 4 tuổi. Đây là lần thứ hai, Vi Hân tham gia phim. 


Lần trước, cô bé chỉ diễn cảm xúc thôi, lần này bé vừa cảm xúc vừa thoại. Sala Vi Hân được mẹ hướng dẫn tập thoại. Mẹ giả bộ đóng vai anh hai trong phim, còn con là em bé nghèo khổ, đói bụng, không có gì ăn, bị bệnh và xỉu. 







Để vào vai em bé nghèo nên bé phải mặc bộ quần áo chắp vá nhiều chỗ, cô make up hoá trang “mặt mèo” cho bé, mẹ cho bé chơi với gạch, đất, đá đã luôn. Cũng chính vì thế, Sala có được một buổi vui chơi thoả thích, làm con càng lem luốc, càng giống vai diễn của mình. Nhưng bé vui nhất là được các cô chú trong đoàn khen là bé đóng dễ thương, dù chỉ có vài câu thoại ngắn thôi làm bé vui cười tít mắt và cảm ơn các cô chú. 


Phim sẽ được công chiếu vào ngày 01/01/2021 - Tết Dương Lịch. Đây như một món quà năm mới dành tặng các bé và ba mẹ tại kênh HTVC Gia đình. Mời quý khán giả đón xem.


Karena
© All Rights Reserved
Liên hệ: info@quantritruyenthong.com Trang thông tin Truyền thông về Sao Giải trí - Sao Doanh Nhân | Thực hiện và phát triển bởi KKD Tech