Slider

Nghi Lễ Và Trò Chơi Kéo Co Việt Nam: Tính Kết Nối Giữa Các Địa Phương Còn Chậm

0

 




VHO- Hội Di sản văn hóa Việt Nam vừa phối hợp với Sở VHTT Hà Nội tổ chức tọa đàm cộng đồng Nghi lễ và trò chơi kéo co Việt Nam 2020, nhân kỷ niệm 5 năm UNESCO ghi danh Nghi lễ và trò chơi Kéo co vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 Thực hành Di sản kéo co trong cộng đồng

Sự kiện thu hút hàng trăm người tham gia, trong đó có các cộng đồng thực hành di sản, cơ quan quản lý, nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, nhà nghiên cứu…

Phát huy giá trị di sản

Tọa đàm được tổ chức nhằm đẩy mạnh phát huy, quảng bá và giới thiệu giá trị của Nghi lễ và trò chơi Kéo co; tăng cường quan hệ giao lưu trao đổi, gắn kết giữa các cộng đồng, đáp ứng nhu cầu giao lưu trao đổi ngày càng tăng của các cộng đồng thực hành di sản; đồng thời làm tiền đề cho việc thành lập CLB Mạng lưới các cộng đồng di sản kéo co Việt Nam trong tương lai.

Nghi lễ và trò chơi Kéo co được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2015 với tư cách là đề cử đa quốc gia của Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam tại kỳ họp thứ 10 của Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức tại Namibia. Tại Việt Nam, Nghi lễ và trò chơi Kéo co có mặt ở hầu hết khắp các vùng trung du, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, vùng đất tụ cư lâu đời của người Việt gắn với nền văn minh lúa nước. Di sản này được thực hành rộng rãi nhất ở các cộng đồng người Kinh các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội và các cộng đồng người Tày, Thái, Giáy tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam như Tuyên Quang, Lai Châu và Lào Cai.

Từ khi được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2015, nhiều hoạt động giao lưu trình diễn, hợp tác nghiên cứu và xuất bản về Nghi lễ và trò chơi Kéo co đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (CCH) - Hội Di sản văn hóa Việt Nam tích cực thực hiện với mục đích hỗ trợ cộng đồng Kéo co trong việc nâng cao nhận thức công chúng nói chung và phát huy giá trị di sản này trong đời sống đương đại. Trong đó, nổi bật là các hoạt động hợp tác với TP Danjin (Hàn Quốc) thông qua Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với các dự án nghiên cứu, xuất bản, hội nghị chuyên đề và giao lưu trình diễn. PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết: “Nghi lễ và trò chơi Kéo co của Việt Nam cùng với Hàn Quốc, Campuchia, Philippines được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đó, chúng ta không chỉ đại diện cho chúng ta mà còn đại diện cho dân tộc, cho thế giới để giữ gìn di sản văn hóa quý báu này. Bởi vậy, hy vọng thời gian tới, các cộng đồng kéo co sẽ đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm với nhau để cùng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể này”.

Đại diện nhiều cộng đồng sở hữu nghi lễ và trò chơi kéo co đã đề xuất những sáng kiến, giải pháp khơi dậy hơn nữa sức mạnh cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Theo ông Ngô Quang Khải, Thủ từ đền Trấn Vũ (Long Biên): “Kéo co không chỉ là một trò chơi dân gian hay bộ môn thể thao phô diễn sức mạnh mà chứa đựng trong đó cả đời sống tâm linh, ước vọng của cộng đồng”. TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhấn mạnh, để di sản được ghi danh, công đầu vẫn là nỗ lực gìn giữ, phát huy và trao truyền di sản qua nhiều thế hệ của các cộng đồng thực hành di sản. Theo bà Lý, các cơ quan quản lý văn hóa cần có hình thức quảng bá, phổ biến di sản phù hợp để xã hội thấy được ý nghĩa, từ đó chung tay chia sẻ với nhóm cộng đồng sở hữu di sản. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, cập nhật thông tin định kỳ về tình trạng di sản, hỗ trợ các địa phương tiến hành các bước đề cử để lập hồ sơ đề nghị UNESCO bổ sung danh sách.

“Nếu chúng ta biết cách khích lệ cộng đồng thì sẽ có đông người tham gia gìn giữ, phát huy giá trị di sản”, TS Lý khẳng định.

Sẽ có CLB Mạng lưới cộng đồng di sản kéo co

Theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ, thời gian qua Hội đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động giao lưu trình diễn, hợp tác nghiên cứu và xuất bản về Nghi lễ và trò chơi Kéo co, với mục đích hỗ trợ cộng đồng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hành gìn giữ và phát huy giá trị di sản.

Tuy nhiên, tính kết nối giữa các địa phương còn chậm. Với vai trò của mình, Hội sẽ đứng ra kết nối các địa phương có cộng đồng di sản, đồng thời đề xuất cơ quan quản lý về phương án, bảo tồn phát huy giá trị di sản. Bí thư Chi bộ thôn Hòa Loan, xã Lũng Hòa (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, người dân địa phương hiểu ý nghĩa và chủ động trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, thế nhưng khó khăn gặp phải là tình trạng thiếu kinh phí dành cho công tác bảo vệ và trao truyền; mai một những giá trị chưa được nhận diện, phục hồi; nguồn vật liệu truyền thống như cây song (dùng trong nghi lễ kéo co ngồi) ngày một khan hiếm...

Trải qua 5 năm được vinh danh, đến nay di sản văn hóa Nghi lễ và trò chơi Kéo co vẫn được chính quyền địa phương và cộng đồng dân tộc Tày, Giáy cư trú ở các huyện Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn, Sa Pa, Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương và TP Lào Cai chung tay bảo vệ và phát huy. Theo TS Dương Tuấn Nghĩa (Sở VHTTDL Lào Cai), nhằm thực hiện công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản, Sở VHTTDL Lào Cai được UBND tỉnh giao nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu bảo vệ và phát huy giá trị của di sản, gắn bảo vệ di sản với phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở các địa phương. Ở vùng người Tày, Giáy của tỉnh Lào Cai có nhiều người am hiểu sâu sắc về nghi lễ và trò chơi kéo co, họ là những người trực tiếp cung cấp thông tin để xây dựng hồ sơ đề cử, cũng chính là người duy trì các hoạt động tổ chức gắn liền với Nghi lễ và trò chơi Kéo co, là người thực hiện công tác hướng dẫn, trao truyền cho thế hệ trẻ.

Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VHTT Hà Nội, bà Phạm Lan Anh bày tỏ mong muốn Hà Nội sẽ là nơi kết nối các địa phương có di sản kéo co, tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ di sản. Các đại biểu tham gia tọa đàm đã cùng thông qua dự thảo Đề án thành lập CLB Mạng lưới các cộng đồng di sản kéo co Việt Nam nhằm tăng cường sự gắn kết, trao đổi giữa các cộng đồng cùng thực hành di sản. Dự thảo đề án nhấn mạnh, hiện nay tại Việt Nam, các cộng đồng kéo co ở một số tỉnh, thành phố luôn cố gắng duy trì hoạt động để bảo vệ di sản độc đáo này. Một số cộng đồng bước đầu đã có hình thức liên kết tổ chức sinh hoạt nhằm trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng để thực hành di sản. Tuy nhiên, sự giao lưu, hợp tác giữa các cộng đồng và những người làm công tác nghiên cứu chưa được thường xuyên, chưa phát huy được thế mạnh của các cộng đồng để góp phần vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Xuất phát từ thực tế, đã đến lúc các cộng đồng kéo co tại Việt Nam cần phải thành lập một tổ chức mang tính chất xã hội nghề nghiệp để hỗ trợ và nâng cao chất lượng hoạt động của mình. Cũng trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra trưng bày mang tên “Nghi lễ và trò chơi Kéo co” với 30 bức ảnh tái hiện lại hoạt động kéo co của các cộng đồng. 

 Đề án thành lập CLB Mạng lưới các cộng đồng di sản kéo co Việt Nam nhằm tăng cường sự gắn kết, trao đổi giữa các cộng đồng cùng thực hành di sản. Dự thảo đề án nhấn mạnh, hiện nay tại Việt Nam, các cộng đồng kéo co ở một số tỉnh, thành phố luôn cố gắng duy trì hoạt động để bảo vệ di sản độc đáo này.

Một số cộng đồng bước đầu đã có hình thức liên kết tổ chức sinh hoạt nhằm trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng để thực hành di sản. Tuy nhiên, sự giao lưu, hợp tác giữa các cộng đồng và những người làm công tác nghiên cứu chưa được thường xuyên, chưa phát huy được thế mạnh của các cộng đồng để góp phần vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

 

 HOÀNG NGÂN/Báo Văn Hóa Online

Không có nhận xét nào

Đăng nhận xét

© All Rights Reserved
Liên hệ: info@quantritruyenthong.com Trang thông tin Truyền thông về Sao Giải trí - Sao Doanh Nhân | Thực hiện và phát triển bởi KKD Tech