Slider

Quảng bá di sản trực tuyến thời dịch bệnh

0

Vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên các bảo tàng, di tích… phải đóng cửa, không đón khách tham quan. Tuy nhiên, không thể nằm chờ “chết”, hàng loạt đơn vị đã rất sáng tạo sử dụng các nền tảng công nghệ để tiếp cận công chúng với nhiều hình thức đa dạng.



Thích ứng để nhập cuộc

Đầu tiên, đó là tour tham quan các chuyên đề. Chẳng hạn, mỗi tuần, Bảo tàng Áo dài lại giới thiệu một câu chuyện liên quan đến áo dài. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giới thiệu chuyên đề tương tác ảo 3D…

Các tour tham quan trực tuyến cũng được mở ngay trong dịp này. Có thể kể ra chuyến tham quan bảo tàng trực tuyến (Tourday online) miễn phí, do câu lạc bộ tình nguyện viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thực hiện trong tháng Chín với chủ đề “Theo dòng lịch sử: Văn hóa Đại Việt thời Lý – Trần” trên ứng dụng Zoom, giới hạn 100 người đăng ký sớm nhất, tạo sự kích thích với người xem. Hay như Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ với triển lãm trực tuyến “Việt Nam niềm tin chiến thắng”, giới thiệu tranh của họa sĩ Lê Sa Long và ảnh của một số phóng viên cổ vũ tinh thần phòng, chống dịch bệnh tại TP.HCM… Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng “nhập cuộc” với tour tham quan trực tuyến trên vnfam.vn gồm bản tiếng Việt và tiếng Anh; giới thiệu 100 hiện vật tiêu biểu trong ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA liên kết với trưng bày trực tuyến 3D…

Một phòng trưng bày trong không gian 3D của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM

Không chỉ các bảo tàng mà các di tích, các địa phương có di sản cũng không đứng ngoài những chuyển động mới này. Quảng bá di sản trực tuyến đang dần trở thành một trạng thái “bình thường mới” trong mùa dịch. Thay vì tổ chức thực địa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội chuyển sang tổ chức theo hình thức online với các triển lãm, trưng bày cũng như các tour tham quan “ảo” 360 độ.

Di tích Nhà tù Hỏa Lò gây ấn tượng khi ra mắt kênh phát thanh độc quyền HoaLoPrisonRelic trên ứng dụng Spotify gồm các podcast (loạt các tập tin âm thanh hoặc video số). Đây cũng là đơn vị “siêng năng” tương tác với công chúng nhất, trên nền tảng mạng xã hội Facebook.

Hà Giang là địa phương thức thời khi làm du lịch trực tuyến trong “thời 5K” với chương trình “Giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, văn hóa trà và sản phẩm đặc trưng tỉnh Hà Giang”, được công chiếu trực tiếp trên một số trang báo điện tử, mạng Facebook, YouTube. Huế cũng không chịu “án binh bất động” khi tổ chức tour tham quan trực tuyến bảo tàng và di tích lưu niệm Bác Hồ…

Để thu phí, phải khác biệt 

Có thể thấy, quảng bá di sản trực tuyến không còn là xu hướng tương lai, mà là câu chuyện của hôm nay. Trong bối cảnh hàng loạt hệ thống di tích, di sản… đang chịu cảnh “lockdown” với du khách, không thay đổi để thích ứng, chỉ có… chờ “chết”.

Bà Huỳnh Ngọc Vân – Giám đốc Bảo tàng Áo dài – cho rằng, nếu phát triển tốt, việc quảng bá các giá trị di sản lịch sử, văn hóa bằng cách này sẽ tăng hiệu quả. Bà Huỳnh Ngọc Vân dự đoán, trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát thì tâm lý người dân vẫn còn e dè nhất định, việc tham quan trực tiếp phải mất một thời gian nữa mới phục hồi.

So với thế giới, số hóa trong hoạt động và quản lý di sản ở Việt Nam mới chỉ manh nha bước đầu. Những triển lãm vừa qua của các bảo tàng đều được ghi nhận ở sự cố gắng, do chất lượng chưa đồng đều, còn nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật. Một số đơn vị đã phát triển được không gian 3D khá sống động, người xem có cơ hội quan sát khá chân thực với nhiều góc nhìn; song, hiện mới ở dạng thử nghiệm, thăm dò phản ứng của công chúng rồi mới hoàn thiện trong thời gian tới.

Triển lãm trực tuyến Bảo vật quốc gia của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Ngoài nền tảng kỹ thuật, hiện chúng ta cũng đang thiếu nguồn lực con người có khả năng sử dụng tích hợp những phương tiện hiện đại. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM phải kết hợp với Công ty Star Global để cùng phát triển mô hình trên. Chưa kể, kinh phí vận hành hệ thống là điều khiến nhiều bảo tàng e ngại, ngay cả với những đơn vị lớn, phải vận động bằng nguồn xã hội hóa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND TP.HCM đang có dự án xây dựng bảo tàng thông minh. Bảo tàng Lịch sử TP.HCM là một trong những đơn vị được cấp kinh phí, đang trong quy trình xét duyệt.

Chiều 23/9, trong buổi tọa đàm trực tuyến “Di sản văn hóa thích ứng với bối cảnh đại dịch và kế hoạch mở cửa phục vụ công chúng”, việc khai thác nguồn lợi từ triển lãm số, trực tuyến là câu chuyện được nhiều đơn vị quan tâm. Đa phần đều thống nhất với mô hình phân cấp cho người dùng. Theo đó, có những nội dung được truy cập miễn phí, có những nội dung mang tính chất học thuật, nghiên cứu sâu, người dùng phải trả tiền để được tiếp cận. Đây cũng là mô hình chung của thế giới. Nếu làm được, bảo tàng sẽ có thêm nguồn thu khá chủ động.

Theo Giám đốc Bảo tàng Áo dài, trong thực tế, sự tồn tại và phát triển của bảo tàng lâu nay vẫn theo cách thức tương tác trực tiếp. Để chuyển đổi trực tuyến, có thu phí trong tương lai gần và tích hợp trực tiếp – trực tuyến trong thời hậu dịch, là thách thức không hề nhỏ.

Bà Nguyễn Khắc Xuân Thi – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM – cho rằng: “Để tiến tới việc thu lợi nhuận từ triển lãm trực tuyến, trước hết cần phải có nguồn tư liệu hay, thú vị, sâu sắc, sinh động… thay vì chỉ giới thiệu đơn thuần. Hệ thống web, nền tảng trực tuyến cần phải được hoàn thiện chuyên nghiệp, giúp người dùng thấy hài lòng, thoải mái. Bởi sản phẩm có đẹp, chất lượng mới thuyết phục được người tiêu dùng”.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, phó giáo sư – tiến sĩ Đặng Văn Bài – Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia – gọi bảo tồn di sản trong thời đại công nghệ số cũng là cách thức để thực hiện quyền văn hóa trong bảo tồn di sản văn hóa. Nghĩa là, tạo cho con người một môi trường, không gian văn hóa để được tiếp cận dễ dàng nhất, hưởng thụ tốt nhất các giá trị văn hóa; qua đó, nâng cao năng lực sáng tạo, nhận thức được nghĩa vụ đóng góp, tham gia vào việc bảo vệ di sản. Điều kiện, các phương tiện kỹ thuật hiện nay cho phép ta thực hiện tham vọng đó.

Tuy nhiên, cũng theo ông Đặng Văn Bài, muốn thu được phí từ người dùng, nội dung phải hấp dẫn, phải độc quyền. “Kỹ thuật chỉ là công cụ, còn ý tưởng sáng tạo, tạo ra sự hấp dẫn và khác biệt mới quyết định người ta có chịu trả tiền hay không. Đây là thời đại cơ chế thị trường, sản phẩm văn hóa đặc thù cũng là một loại hàng hóa, ngoài tính giáo dục, phải có tính giải trí lẫn thẩm mỹ nữa”, ông Đặng Văn Bài nói.

Theo Cốc Vũ – Trung Sơn/PNO

Không có nhận xét nào

Đăng nhận xét

© All Rights Reserved
Liên hệ: info@quantritruyenthong.com Trang thông tin Truyền thông về Sao Giải trí - Sao Doanh Nhân | Thực hiện và phát triển bởi KKD Tech