Slider

Helly Tống tại Hoa Mai Design Award 2023: Tính bản địa là một đời sống đã có sẵn trong mỗi người

0



Vừa qua, Giải thưởng Thiết kế Sản phẩm Nội thất gỗ Hoa Mai (HMA) lần đầu tổ chức sự kiện triển lãm Hoa Mai Design Award kết hợp cùng Talkshow và Chấm Vòng sơ tuyển.

 

Sau 2 tháng chính thức khởi động, Giải thưởng Thiết kế Sản phẩm Nội thất gỗ Hoa Mai (HMA) lần thứ 20 đã thu hút hơn 320 bài dự thi ở cả 2 bảng OPEN AWARD (dành cho sinh viên chuyên ngành thiết kế, thiết kế trẻ) và GRAND AWARD (dành cho doanh nghiệp và nhà thiết kế đã có hơn 5 năm kinh nghiệm). 

Trong đó, 111 bài dự thi  xuất sắc của bảng OPEN đã  được trưng bày tại Sự kiện “Hoa Mai Design Award EXHIBITION & TALKSHOW” kết hợp cùng các talkshow chuyên ngành và Hoạt động chấm Vòng Tuyển chọn của 2 bảng đấu diễn ra từ 25 - 28/11/2023. Đây là chuỗi sự kiện lần đầu được tổ chức, với mục đích mang đến góc nhìn toàn diện về quá trình biến ý tưởng thiết kế thành sản phẩm thực tế, cũng như giải quyết các thách thức về tính thẩm mỹ và khả thi của thiết kế đến từ những tài năng trẻ.

Bên cạnh mang đến cho các bạn thí sinh nói riêng và người xem nói chung hình ảnh trực quan, sống động nhất về các tác phẩm thực tế của ngành thiết kế nội thất. Sự kiện Triển lãm Hoa Mai Design Award năm nay còn thể hiện sự trân trọng của BTC cuộc thi dành cho tâm huyết, “chất xám” từ các nhà thiết kế trẻ; đồng thời, mở ra cơ hội đưa các tác phẩm của các tài năng mới có thể đến gần hơn với công chúng. 

“Đằng sau tính bản địa của sản phẩm đã là một đời sống có sẵn”

Trong hành trình 2 thập kỷ không ngừng đổi mới, Giải thưởng Hoa Mai Design Award luôn đặt mục tiêu tạo ra một không gian để các nhà thiết kế nội thất trẻ nâng cao khả năng sáng tạo và kỹ năng thực hành; đồng thời, mở ra cánh cửa nghề nghiệp rộng lớn, kết nối thí sinh với những cơ hội tiếp cận với công việc thực tiễn cũng như các công ty nội thất lớn trong và ngoài nước.

Điều này được thể hiện qua chuỗi Talkshow chuyên ngành kết hợp triển lãm, với 2 chủ đề liên quan sâu sắc đến chủ đề Saigon Metropolitan: Thương hiệu nội địa - Tinh thần bản địa & Xây dựng thương hiệu khẳng định vị thế nội thất Việt. Cả 2 buổi talkshow đều thu hút số lượng lớn nhà thiết kế trẻ tham gia và chia sẻ. 

Với sự tham gia của 2 diễn giả: Nguyễn Phan Thùy Dương - Tổng biên tập tạp chí Elle Decoration Vietnam, Giám đốc sáng tạo HMA 2023 và Helly Tống - Người mẫu, Doanh nhân & Influencer được đông đảo giới trẻ yêu thích. Buổi talkshow Thương hiệu Nội địa - Tinh thần bản địa mang đến nhiều kiến thức cũng như trải nghiệm về khái niệm, tính ứng dụng và cách “cài cắm” yếu tố bản địa vào các thiết kế đã được áp dụng thành công bởi một số nhà thiết kế, thương hiệu địa phương (local-brand) nổi tiếng.

Thông qua chia sẻ của Giám đốc sáng tạo HMA 2023 - chị Nguyễn Phan Thuỳ Dương, yếu tố bản địa là sự tổng hòa giữa “bản” - yếu tố nội hàm, tinh thần chung của một cộng đồng và “địa” - bên ngoài, những gì dễ tiếp cận, dễ nhận diện. Liên quan đến chủ đề Saigon Metropolitan của Giải thưởng năm nay, chị Thuỳ Dương chia sẻ: “Yếu tố bản địa là biểu hiện rõ rệt của thổ nhưỡng, khí hậu, vật liệu và nếp sống, văn hoá. Tất cả được tổng hoà vào một công trình kiến trúc. Về phía Helly Tống, nữ doanh nhân bổ sung thêm một góc nhìn mới khi cho rằng, “địa” còn là địa phương, vùng miền - yếu tố đặc trưng của Việt Nam.

Từ hành trình xây dựng, sáng tạo các concept để vận hành các mô hình kinh doanh lẫn cuộc sống thường ngày, Helly Tống mang đến những chia sẻ đầy tính truyền cảm hứng. 

“Kiến thức là một, nhưng ngữ cảnh và sự tiếp diễn cũng là yếu tố cần được chú trọng. Chúng ta sẽ không thể chỉ phụ thuộc và kiến thức cần có. Vì nếu như sản phẩm, sáng tạo hay thiết kế chỉ phụ thuộc vào điều này, thì đó là lý do chúng ta cất công làm ra và bị đánh giá là bảo thủ quá, cổ hủ quá. Với Helly, công thức toán của mình là 1 +1 sẽ bằng “n”. Bằng cái gì thì làm mới biết, nhưng phải luôn mở mang ra. 

Ngoài ra, điều kiện dẫn đến một sự thay đổi hay suy nghĩ nào đó - câu hỏi: “Vì sao mình lại nghĩ như vậy”, thường xuyên cập nhật những kiến thức, thông tin mới về tình hình thế giới cũng giúp ngôn ngữ sáng tạo của chúng ta có tính ứng dụng hơn”. 


Một điều mà nữ doanh nhân, Influencer tâm đắc và muốn chia sẻ về tính bản địa, chính là chất liệu ở khắp mọi nơi. Điển hình như sau 3 lần bị… ong chích, cùng chuyến đi xuyên Việt và câu hỏi: “Vì sao nói đến nước nông nghiệp như Việt Nam, người ta chỉ nhắc về lúa, cà phê mà không nói về mật ong". Từ những nhận thức về đặc tính của con ong có mối liên hệ sâu sắc với đời sống, phẩm chất con người Việt Nam như tính cần cù, biết xác định và đạt được mục tiêu; đồng thời với hiểu biết về cây ăn trái - một loại cây gắn liền với nông nghiệp Việt Nam, “tính bản địa” đã được Helly Tống ứng dụng thành công vào mô hình sản xuất mật ong theo từng đặc trưng vùng miền. 

“Tính bản địa trong những việc Helly làm, bắt nguồn từ những điều mình không đoán trước được, ví dụ như bị ong chích chẳng hạn. Sau những thay đổi không bán cây cảnh mà chuyển sang bán cây ăn trái, cùng với concept có ong trong đó, tính bản địa trong một sản phẩm đã là một đời sống có sẵn, chỉ là mình muốn kể câu chuyện đó ra sao.” 

Ngoài ra, nói về một trong 4 giá trị cốt lõi của Giải thưởng năm nay - Tính bền vững, Helly cho rằng “phát triển bền vững không phải là phát triển một thứ mới, mà là mình vẫn đang phát triển dựa trên những tài nguyên đã có nhưng làm sao không khai thác quá nhiều.”

Bên cạnh đó, với Helly Tống, yếu tố nhạy cảm về cảm xúc là một trong những chất liệu quan trọng: “Khi chúng ta đặt cảm xúc vào trung tâm, yêu thương và thật sự thấu hiểu một điều gì đó, dù là con người hay tác phẩm, thì tất cả những bước hành động tiếp theo đều có được sự ‘bản địa’ trong con người mình”. 

Ngoài ra, nữ doanh nhân - Influencer cũng cho rằng, nên đặt câu hỏi “Cơ hội của sản phẩm là gì”? thay vì quá tập trung vào việc cần chú ý thể hiện sản phẩm ra sao. Từ đó sẽ giúp những tác phẩm của mình có nhiều ‘đất’ hơn. Ví dụ khi chế tác một cái ghế, đừng chỉ nghĩ nó sẽ đặt ở phòng khách, mà cần suy nghĩ cái ‘đất’ khác của sản phẩm là gì”. 

Làm được - nói được là khởi nguyên của xây dựng thương hiệu”

"How to train your brand?" là chủ đề talkshow thứ hai trong chuỗi sự kiện với sự tham gia của 2 diễn giả: Hiếu Phan - Founder & CEO thương hiệu MAKE MY HOME và anh Nguyễn Đình Hoà - Architectural designer tại LAITA Design.

Buổi trò chuyện đưa người nghe tìm hiểu các vấn đề liên quan đến việc phát triển chiến lược xác định và truyền đạt các giá trị, sứ mệnh và đặc tính thương hiệu. Vì “thương hiệu như cá tính của một con người”, cần hoạch định chiến lược để không chỉ thu hút khách hàng, đồng thời cải thiện và nâng cao độ nhận diện trong thị trường một cách nhất quán. Mục tiêu là thiết lập một thương hiệu mạnh và khác biệt, gây được tiếng vang với khách hàng, từ đó tạo nên sự tin yêu và quan tâm từ phía công chúng.

Chia sẻ với các nhà thiết kế tương lai trong Giải thưởng Hoa Mai Design Award, anh Hiếu Phan tâm đắc việc trả lời câu hỏi về mục tiêu và hình thành giá trị cốt lõi.

“Hành trình bắt đầu khi Hiếu nhận ra tầm quan trọng của việc trang trí nhà và khám phá rằng việc này không chỉ là về việc bỏ nhiều tiền mà còn về cách cải thiện không gian sống một cách hiệu quả. Từ những ý tưởng ban đầu về trang trí nội thất và chia sẻ với người quen, Hiếu bắt đầu nghiêm túc theo đuổi lĩnh vực này.

Qua quá trình học tập và hướng dẫn từ một đàn anh, Hiếu học được cách tạo dự án trong công việc và cách viết sứ mệnh và tầm nhìn” 

Quan trọng nhất là việc tìm ra mấu chốt khởi nguyên của công việc. Kinh nghiệm làm thuê xây dựng mang lại cho tôi sự tự tin trong việc “làm được”, nhưng sẽ rất thách thức khi phải “nói được" - thuyết phục người khác tin tưởng và mua sản phẩm của mình. Vậy nên, làm được và phải nói được là khởi nguyên của xây dựng thương hiệu. Việc xây dựng chiến lược "nói" đòi hỏi phải tuân theo sứ mệnh, lan toả giá trị và mong muốn - anh Nguyễn Đình Hoà chia sẻ thêm. 

Những chia sẻ về việc xây dựng thương hiệu cá nhân của 2 diễn giả nhận được sự ủng hộ và yêu thích từ người tham dự, đặc biệt là các nhà thiết kế tương lai đang “ghi danh” trong Giải thưởng Hoa Mai năm nay. 

“Tầm nhìn và sứ mệnh của thương hiệu chỉ thật sự hiệu quả nếu chúng phát sinh từ mong muốn thực sự của người sáng lập. Những ý tưởng xuất phát từ lòng đam mê và sứ mệnh thực sự sẽ mang lại hiệu quả lâu dài, hơn là những từ ngữ chỉ được đặt vào trang vở. Sự chân thực và đam mê là chìa khóa để tránh những lời nói rỗng tuếch, và đó cũng chính là nền tảng cho quá trình làm branding hiệu quả” - Một trong những chia sẻ vừa thực tế, vừa truyền cảm hứng mà sự kiện mang đến.

Là người tham gia cả 2 talkshow trong sự kiện triển lãm Hoa Mai Design Award, Nguyễn Trọng Phúc (sinh viên trường Đại học Kiến Trúc, ngành Thiết kế công nghiệp) nhìn nhận “cả hai buổi talkshow đều rất hữu ích cho mục tiêu xây dựng thương hiệu nội thất độc lập”

Anh Thư, sinh viên trường đại học Kiến Trúc TP.HCM cho biết những ý kiến, chia sẻ từ chuỗi sự kiện “có tính ứng dụng cao cho ngành học. Vì mình cũng đang theo học ngành thiết kế những sản phẩm nội thất như thế này, nên đây sẽ là những kinh nghiệm ra đời khi mình đi làm và có thể tạo dựng thương hiệu cho bản thân”. 

Giải thưởng Thiết kế Sản phẩm Nội thất Gỗ Hoa Mai, hay Hoa Mai Design Award, đã trở thành một bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của cộng đồng thiết kế nội thất tại Việt Nam. Cuộc thi đã tôn vinh nhiều ý tưởng sáng tạo, giúp những nhà thiết kế trẻ trưởng thành và chiếm vị trí quan trọng trong ngành. 

Sau 20 năm không ngừng phát triển, HMA 2023 - 2024 đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ với nhiều thay đổi thực tiễn và cấp tiến độc đáo. Hứa hẹn sẽ mang đến những hoạt động sôi nổi, kết nối cộng đồng thiết kế, và nâng cao giá trị thiết kế trong lĩnh vực Nội thất Việt Nam - hiện đang giữ vị trí quan trọng thứ 5 toàn cầu về xuất khẩu nội thất.

Không có nhận xét nào

Đăng nhận xét

© All Rights Reserved
Liên hệ: info@quantritruyenthong.com Trang thông tin Truyền thông về Sao Giải trí - Sao Doanh Nhân | Thực hiện và phát triển bởi KKD Tech